Các Tips tìm nhà ở Đức cho du học sinh

Các Tips tìm nhà ở Đức cho du học sinh

Các bạn có biết, chuyện tìm nhà ở Đức khó như chơi trò chơi tìm kho báu không? Đối với du học sinh Việt Nam tại Đức, việc tìm kiếm nhà ở chưa bao giờ là chuyện đơn giản cả. Dưới đây là những kinh nghiệm được các học viên của PANDA tại Đức chia sẻ, mong rằng nó sẽ hữu ích với các bạn du học sinh, du học nghề Đức. 

Các trang web hỗ trợ tìm nhà cho du học sinh tại Đức 

1. wg-gesucht.de

Đây là một trang web cực kì uy tín và nổi tiếng cho những bạn sinh viên cũng như những ai cần tìm một chỗ ở ưng ý. Ở đó có sẵn filter để lọc tất cả những thông tin về nhà ở để bạn có thể chọn như: thành phố bạn thuê nhà, kiểu nhà (phòng share chung hay căn hộ), độ rộng căn phòng, mức giá tiền mong muốn. Sau đó họ sẽ đưa ra nhiều sự lựa chọn khác nhau, mình click vào nơi mà cảm thấy phù hợp và nhắn tin cho người thuê thôi. Tips cho các bạn nhắn tin hỏi nhà nhé: bạn có thể đọc qua nội dung miêu tả căn nhà để biết rõ thông tin, sau đó bạn thêm vài thông tin cá nhân của bạn thỉ dụ như ngành học, trường học, chút tính cách, sở thích cá nhân. Nhiều chủ nhà họ cũng để ý những yếu tố cá nhân để lựa chọn người thuê nhà phù hợp.

2. Facebook

Facebook là nơi tập hợp rất nhiều hội nhóm du học sinh Việt Nam tại các thành phố ở nước Đức. Chắc chắc các bạn chúng mình rất quen thuộc với mạng xã hội này rồi. Các bạn có thể đăng bài viết lên các hội nhóm để được hỗ trợ và tìm được nhà ưng ý nhé! 

3. eBay Kleinanzeige

Tuy đây là một trang web để mua bán đồ cũ nhưng có cho đăng nhà cho thuê nữa đó. Rất nhiều học viên của Panda đã tìm được những căn nhà tốt trên đây đó. Cách tìm nhà trên đó cũng tương tự như trên trang web wg-gesucht thôi. Sau khi bạn tìm được căn nhà phù hợp thì nhắn tin riêng cho chủ nhà hỏi về thông tin nhà ở cũng như đặt lịch hẹn đến xem nhà. 

4. Immobilien

Đây cũng là một trang web tìm nhà uy tín được nhiều người đánh giá tốt. Ở đây có rất nhiều lựa chọn về kiểu nhà cho nhiều đối tượng thuê khác nhau và kèm theo đó là giá các kiểu nhà cũng rất chênh lệch. Đa phần người thuê sẽ là những người đi làm có bảng lương hàng tháng và đủ khả năng chi trả tiền nhà cho căn hộ 1 người hoặc 1 gia đình. Mình nghĩ, nếu bạn là sinh viên và vẫn có đủ điều kiện tài chính thì có thể cân nhắc đến các lựa chọn ở đây. Còn nếu khả năng tài chính của bạn có hạn thì có thể rủ bạn bè để thuê chung căn hộ nhiều phòng rồi share tiền nhà. 

Cách chọn nhà tại Đức 

Để chọn một nơi ở phù hợp, chúng mình cần xác định những tiêu chí phù hợp nhất cho bản thân:

1. Giá nhà

Thông thường tiền nhà ở Đức là ở mức 300-350 Euro/tháng. Ở vùng Tây Đức nên giá nhà cũng hơi nhích hơn so với vùng Đông Đức (khoảng trên dưới 300 Euro).

2. Đồ đạc trong phòng

Các bạn cần đọc kỹ thông tin xem phòng có đủ đồ đạc hay chưa. Thông thường ở phần mô tả nhà thì chủ nhà cũng ghi khá chi tiết về căn phòng sẽ cho thuê. Hãy ưu tiên những phòng có đủ đồ đạc thiết yếu như giường, tủ quần áo, bàn, ghế; sau đó khi chuyển vào thì mình sẽ sắm thêm các đồ theo ý thích của mình. Còn nếu căn phòng chưa có đồ gì thì bạn có thể tính toán tự sắm đồ đạc hoặc cân nhắc thêm những yếu tố khác của căn nhà để quyết định tiếp.

3. Chủ nhà và người cùng nhà

Đối với nhiều người thì yếu tố này cũng là một trong những quan trọng không kém. Có những nhà chủ nhà sẽ sống gần đó hoặc thậm chí cùng nhà luôn nên mọi sinh hoạt của các thành viên trong nhà đều có sự quản lý của chủ nhà. Nếu chủ nhà dễ tính dễ thương thì sẽ rất thoải mái, thậm chí mình còn ăn cơm và trò chuyện với họ lúc vô tình gặp nhau trong nhà. Nhưng nếu chủ nhà khó tính thì cũng phải lựa lựa đừng để họ soi xét quá nhiều nha. Trong nhà sẽ có những kiểu người khác nhau sống cùng nhà, thông thường đều là sinh viên, thực tập sinh, hoặc những người độc thân đang đi làm, … Đa phần sống cùng nhà nên ai cũng muốn có không gian riêng để nghỉ ngơi và cuối tuần có thể gặp nhau tám chuyện. Cái chuyện party đêm hôm nhậu nhẹt ở đây cũng không thiếu, chủ yếu là sinh viên mời nhau về nhà cuối tuần và nấu nướng ăn uống. Có người lịch sự sẽ thông báo cho tất cả mọi người trong nhà và có thể mời mình cùng đến chơi, nhưng cũng có những người cũng hơi vô tư nên ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Bạn nên cố gắng trò chuyện với chủ nhà và gặp thử vài người trong nhà để tìm hiểu họ rõ hơn nhé.

4. Warmmiete oder Kaltmiete? 

Warmiete là giá thuê nhà đã bao gồm các khoản điện, nước, mạng, ..., trong khi Kaltmiete thì chỉ bao gồm giá thuê nhà thôi. Nên ưu tiên Warmmiete, nếu nhà chỉ có giá Kaltmiete thì bạn nên hỏi kỹ lại chủ nhà xem còn đóng những khoản nào nữa nhé!

5. Phương tiện giao thông

Trước khi đến xem nhà, mình thường xem qua địa chỉ nhà trên Google Maps để tra cứu đường đi cũng như phương tiên đi lại từ trường hay chỗ làm về nhà và ngược lại.

6. Gần siêu thị hay có tàu xe tiện đi lại đến siêu thị

Dựa vào những tiêu chí trên, dần dần sau một khoảng thời gian tìm kiếm và trải nghiệm ở nhiều nhà khác nhau, mình cũng đã chọn cho mình một chỗ ở ưng ý. Ở những bài post tiếp theo mình sẽ tiếp tục chia sẻ thêm về chủ đề này nhé.

Những điểm cần lưu ý khi ký hợp đồng thuê nhà 

Dưới đây là một vài điều cần lưu ý trước khi bạn ký hợp đồng:

1. Thông tin bên A (người thuê) và bên B (chủ nhà)

Mở đầu hợp đồng bao giờ bạn cũng nên đọc kỹ thông tin của bản thân là người thuê và của người chủ nhà để kiểm tra xem tất cả các thông tin đã chính xác hay chưa. Nếu phát hiện chỗ nào sai, bạn nên thông báo ngay cho chủ nhà để họ sửa đổi.

2. Giá thuê nhà

Ở phần giá thuê, bạn cần để ý kĩ thông tin giá nhà có chính xác như giá đã thỏa thuận với chủ nhà chưa. Chủ nhà thường sẽ ghi giá Kaltmiete trước (tiền nhà chưa có phụ phí), sau đó mới tới các loại chi phí phụ (Nebenskosten).

3. Chi phí phụ trợ (Nebenkosten)

Đây là khoản tiền như tiền điện, nước, Internet, sưởi ấm. Ngoài ra, tùy căn nhà mà bạn thuê mà chủ nhà sẽ yêu cầu bạn trả thêm vài khoản phí khác như phí thu rác thải, phí dọn vệ sinh hành lang, vv...

4. Tiền đặt cọc (Kaution)

Hầu như chủ nhà nào cũng yêu cầu bạn trả khoản tiền đặt cọc trước khi bạn thuê nhà. Đó là khoản tiền họ sử dụng trong việc sửa chữa đồ đạc hỏng hóc trong phòng bạn hoặc là khoản bù vào số tiền thuê nhà mà bạn đóng chưa đủ. Kaution sẽ thường là tiền Kaltmiete trong 3 tháng đầu, nên bạn phải đảm bảo đủ số tiền trong tài khoản của mình nhé.

5. Giới hạn không gian, thời gian cho thuê phòng

Khi đi xem nhà, bạn cũng đã tưởng tượng cận cảnh chi tiết phòng mà bạn sẽ thuê như thế nào rồi. Khi xem trên hợp đồng thuê nhà, bạn nhớ kiểm tra lại thông tin về không gian phòng của bạn cũng như các phòng sinh hoạt chung với mọi người trong nhà nhé. Và nữa, bạn cũng nhớ rà qua thông tin thời gian bắt đầu cho thuê để có thể sắp xếp thời gian hợp lí để chuyển đồ đạc đến chỗ mới.

6. Thời hạn hủy hợp đồng

Khoản này cũng rất rất quan trọng. Có thể trong khoảng thời gian thuê nhà, bạn gặp phải nhiều vấn đề bất cập liên quan tới chỗ ở của mình. Những vấn đề có thể xảy ra như tiếng ồn thường xuyên của người cùng nhà vào khung giờ nghỉ ngơi, ít phương tiện đi lại đến chỗ làm việc, điều kiện phòng ốc không ổn, … . Thường thì bạn phải gửi đơn hủy đồng tối thiểu trước 3 tháng trước khi bạn chuyển ra.

Hy vọng những chia sẻ trên của PANDA sẽ phần nào giúp được bạn trong quá trình tìm nhà.

 _______________________

TRƯỜNG TIẾNG ĐỨC PANDA

  •  Địa chỉ: 319 Đà Nẵng, Ngô Quyền, Hải Phòng (Trường Trung Cấp Nông Nghiệp Thủy Sản)
  •  Văn phòng đại diện PANDA Education tại CHLB Đức: Froebelweg 3, 37081 Goettingen, Germany
  • Tel: 02253.999.886 - Hotline: 0981.250.029
  •  www.pandaedu.vn

Bình luận