Cả ba nước Anh - Úc - Canada đều đang siết lại chính sách nhằm hạn chế số lượng du học sinh. Vậy tại sao họ lại đưa ra những quyết định đó và học sinh cần phải làm gì để đảm bảo con đường du học thành công? Hãy cùng theo dõi những chia sẻ sau đây từ Mr. Trịnh Khắc Điệp - CEO Du học PANDA trên chương trình "Cửa sổ Du học" được phát sóng trên kênh THP
Tại sao họ thay đổi?
Từ 23/03/2024, Úc sẽ chấm dứt chương trình cho sinh viên quốc tế tốt nghiệp xong có thể ở lại làm việc tại Úc thêm hai năm. Chương trình này chấm dứt chỉ sau một năm thực hiện, gây hụt hẫng cho nhiều sinh viên.
Nước này cũng tăng yêu cầu tài chính cho người xin visa du học thêm 17% lên thành 24.505 đô la Úc (gần 16.000 USD); tạo thêm những rào cản gây khó khăn cho những người giả làm sinh viên tìm cách vào nước Úc để làm việc.
Vì thế sẽ không có gì lạ khi Úc yêu cầu trình độ tiếng Anh của đương đơn cao hơn, rà soát kỹ hơn các đơn có yếu tố lừa dối, trừng phạt các đơn vị dịch vụ du học gian lận… Cụ thể là, học sinh muốn đi du học Úc từ bậc cao đẳng/ dự bị đại học sẽ cần phải có IELTS tối thiểu 5.5, và bậc đại học/sau đại học cần IELTS từ 6.0 và 6.5 trở lên.
Kể từ ngày 01/01/2024, Canada nâng mức khả năng tài chính trang trải chuyện ăn ở của người xin visa du học từ 10.000 CAD (7.300 USD) lên thành 20.635 CAD (hơn 15.000 USD), chưa bao gồm học phí phải chi trả. Các chương trình cho phép thời gian ở lại sau khi tốt nghiệp cũng chấm dứt từ cuối năm 2023.
Nước Anh không còn cho phép sinh viên quốc tế đi cùng người phụ thuộc từ tháng 1-2024; mức tài chính cho visa lao động tay nghề cao nâng lên thành 38.700 bảng Anh (49.000 USD)…
Nhìn chung, chính sách hiện nay của các nước chuyển từ tích cực khuyến khích du học sinh, cho phép thị trường tăng trưởng không kiểm soát, sang rà soát chặt chẽ và chọn lọc loại sinh viên quốc tế được phép vào học, làm việc hay định cư sau này.
Trước đó, chính sách khuyến khích du học hậu Covid-19 đã dẫn tới sự tăng vọt số lượng sinh viên quốc tế, kéo theo giá thuê nhà tăng, cơ sở hạ tầng ở một số nơi quá tải, người dân than phiền. Vì vậy, việc siết lại chính sách nhập cư nhằm thỏa mãn đòi hỏi của cử tri, cách nhanh nhất là bóp dòng chảy du học sinh.
Theo Sydney Morning Herald: "Di dân ròng vào Úc sẽ bị giảm một nửa trong vòng hai năm tới từ con số cao kỷ lục 510.000 người nhập cư hằng năm bằng cách áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với sinh viên quốc tế và từ chối công nhân tay nghề thấp".
Những gì không thay đổi?
Cho dù chính sách với du học sinh của các nước này dễ thay đổi theo kiểu "sáng nắng chiều mưa" như thế, vẫn có thể khẳng định một số nguyên tắc bền vững. Đó là quyết tâm của các nước lọc ra những người nộp hồ sơ xin du học nhưng với mục đích không chính xác và có ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội của họ, ví dụ như lao động chui hay tìm cách ở lại bất hợp pháp!
Với số lượng lớn người lách luật, các sinh viên nhảy từ khóa học này sang khóa học khác, đổi loại visa thường xuyên nhằm kéo dài thời gian ở lại Úc sẽ bị chú ý trước tiên. Trong năm học 2022-2023, số lượng sinh viên xin >1 visa du học trong khi đang ở Úc tăng 30%, lên tới 150.000 người. Vì vậy, kề từ nay sinh viên nào chuyển khóa học sẽ phải chứng minh khóa học mới có liên quan đến bằng cấp họ muốn đạt được khi xin visa nguyên thủy thì mới được chấp thuận.
Lý do thứ 2, việc thay đổi chính sách cũng phụ thuộc phần lớn do sự phản ánh của người dân. Khi người dân phản đối chính sách nhập cư dễ dãi, báo chí lại phanh phui các công ty dịch vụ du học giả mạo hồ sơ hay trường dạy nghề lừa đảo sinh viên, dòng chảy sinh viên quốc tế sẽ bị bóp lại để thỏa mãn tức thì các đòi hỏi của công luận ở các nước.
Nhưng khi các trường đại học than cạn nguồn sinh viên quốc tế nên cạn tiền hoạt động, doanh nghiệp than khó tuyển dụng người có tay nghề được đào tạo, họ lại khuyến khích du học sinh.
Càng ngày, Chu kỳ thay đổi này càng rút ngắn dần. Theo The Guardian, số liệu từ 60 trường đại học Anh cho thấy số lượng visa du học năm nay đã giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái; số lượng ghi danh các khóa cao học còn giảm mạnh hơn, đến 40%.
Người đứng đầu tổ chức đại diện cho các trường đại học Anh, UUK, nhận định: "Nếu chính phủ làm mạnh tay hơn nữa, họ sẽ gây hại cho nền kinh tế của các địa phương khắp nước Anh, cũng như sức khỏe tài chính của các trường đại học.
Trong bối cảnh chúng ta phải làm hết sức để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, điều này dường như đặt sai ưu tiên". Biết đâu vì thế Chính phủ Anh lại quay sang nới lỏng chính sách du học sinh!
Bình luận