DU HỌC ĐỨC, TỚ ĐÃ LÀM THẾ NÀO?

DU HỌC ĐỨC, TỚ ĐÃ LÀM THẾ NÀO?

Du học Đức, tớ đã làm thế nào?

Chào các bạn, mình vừa nhận được kết quả đỗ STK Nordhausen SS 2018, mình muốn viết bài viết này để chia sẻ cho mọi người quá trình đi đến du học Đức của mình cũng như những lưu ý mình rút ra.

1. Tại sao mình lại chọn nước Đức?

Tất cả đối với mình âu cũng là cái duyên. Mình là đứa từ bé đến giờ luôn nói với tất cả mọi người rằng mình sẽ đi du học. Lúc đầu mình muốn đi du học Hà Lan cơ, nhưng thật sự nhà mình không đủ điều kiện để chi trả khoản tiền ấy. Và rồi mình và Đức gặp nhau. Mọi người hỏi vì sao mình đi Đức? Ở đấy học Kinh tế thì bỏ đi, rồi còn bảo mình ráng mà học Kĩ thuật cơ. Nhưng không, mình chọn Đức – một đất nước của sự phát triển và văn minh, một đất nước của những câu chuyện lịch sử rúng động, một đất nước của nền văn hóa muôn sắc cùng những kiến trúc hằng ngàn năm tuổi. Và hơn hết, Đức tạo điều kiện thuận lợi lớn cho các học sinh, sinh viên trên quốc gia này. Vậy có điều gì khiến bạn chối từ?

2. Học tiếng Đức

Âu mình là dân tỉnh lẻ, nên chỗ mình thật sự không có chỗ nào dạy tiếng Đức hết. Thế nên mình phải ra tận Hà Nội để học. Mình đã học khóa tiếng Đức Intensiv A1-A2 tại NDF trong vòng 7 tuần vào mùa hè năm 2016. Hết hè mình lại quay về tỉnh mình đang sống để hoàn thành nốt chương trình 12 và thi Đại học. Và mình lại tiếp tục ra Hà Nội trong vòng 5 tháng để hoàn thành B1 và B2 (mình chưa kịp thi B2 thì đã sang Đức rồi).

Sau gần một năm bỏ tiếng Đức thì mình định quay lại học A2 cơ, nhưng cô mình bảo “Liều ăn nhiều, sợ gì”, thế nên mình đã học B1 luôn (may mà mình vẫn còn nhớ).

Dù kết quả B1 của mình cũng chỉ ở mức vừa phải và thật sự sang bên này có học xong B2 rồi mình vẫn thấy chới với, nên mình thật sự muốn nhắn các bạn ở nhà, hãy học nhiều tiếng nhất có thể.

Dưới đây mình xin liệt kê một số trang web giúp mình học tiếng Đức:

A. Tra từ

A.1. de.thefreedictionary.com

Đây là trang web tra DE-DE mà mình rất thích. Ở đây một từ thường sẽ có 3 cách giải nghĩa khác nhau cho từng trường hợp, từ ngữ từ đơn giản đến khó. Không những thế ví dụ ở đây cũng rất dễ hiểu.

A.2. duden.de

Mình thường hay dùng Service Rechtschreibpruefung ở đây, là một cách hay để bạn kiểm tra Grammatik.

A.3. dict.cc

Trang này để mình dùng tra lại từ trong trường hợp mình không hiểu thật rõ nghĩa tiếng Đức. Tại đây thì các bạn cũng có thể xem thêm rất nhiều về từ ví dụ như idiom hay giới từ đi kèm

A.4. synonyme.woxikon.de

Một web tra từ đồng nghĩa cực ngầu với bao la bát ngát từ luôn, các bạn có thể mở rộng vốn từ và biết thêm các lớp nghĩa của từ đó.

B. Từ mới

B.1. Sách, báo tiếng Đức

Nghe hơi mệt mỏi khi đọc cả cuốn sách hay một tờ báo dài đúng không? Lúc đầu tớ cũng lười lắm cơ mà hiệu quả lắm các bạn ạ.

Đầu tiên tớ thường hay đọc một lần , hoặc qua một vài trang (đối với sách dài) mà không tra từ mới. Sau đó tớ lại đọc lại một lần nữa và bắt đầu tra từ mới cũng như xem những ngữ pháp lạ.

Tớ sẽ ghi hết thảy từ mới và nghĩa tiếng Đức của chúng ra những tấm card nhỏ khác nhau để học (Những tấm card nhỏ sẽ hiệu quả hơn những cuốn vở lớn vì chúng nhỏ gọn, dễ tìm từ, ngắn)

Sau đó mỗi tối đi ngủ tớ sẽ xem và có thể nghĩ ví dụ cho từng từ, rồi sáng dậy lại đảo mắt qua tiếp. Chỉ cần 4 lần như vậy là bạn có thể nhớ được từ rồi.

B.2. Tự nói chuyện

Những từ mới bạn học xong ấy, nếu không dùng thì cũng lại quên thôi. Thế nên mình thường hay tự nói chuyện với mình rồi để đưa những từ ấy vào. Ví dụ mình đi trên đường thì mình sẽ tự nói chuyện về thời tiết và con đường hôm nay ra sao này.

C. Nghe

C.1. Easy German

Đây là kênh Youtube mình hay xem nhất luôn, những chủ đề ở đây rất hay. Thông qua những video phỏng vấn người Đức trên đường phố, bạn không chỉ biết thêm về tiếng mà còn biết thêm về cách giao tiếp thường ngày với văn hóa Đức nữa

C.2. DW

Đây có lẽ là web bất hủ để học tiếng rồi. Thường thì mình không hay lên web mà sẽ vào kênh Youtube và chọn những Thema mình hứng thú để nghe.

Thêm vào đó DW còn có App Deutsch Lernen rất hữu ích, các bạn có thể vừa nghe, vừa có Transkript, lại còn có thể học từ mới chỉ bằng một nút ấn mà thôi.

C.3. Barbara Sophie

Kênh này phù hợp cho các bạn nữ nhé. Chị này hay làm Vlog, video chủ đề làm đẹp hay đơn giản là những thứ vui nhộn hàng ngày. Chị nói hơi nhanh nhưng bật phụ đề tự động lên thì vẫn hiểu được kha khá ý.

Ngoài ra thì mình nghĩ mọi người có thể nói chuyện với các bạn học tiếng cùng mình, ví dụ chat bằng tiếng Đức cũng là ý hay.

3. Làm hồ sơ đi Đức

Đây lại đặt ra câu hỏi: Tự làm hay Qua trung tâm.

Với mình thì mình đã tự làm hồ sơ, thật sự mà nói vì mình ở trong Nam mà lại học tiếng ngoài Bắc nên có nhiều bước lâu kinh luôn, cả nhiều lúc mất tiền ngu ngơ lắm, cơ mà các bạn sẽ biết thêm được nhiều cái hay.

Còn với những bạn muốn nhanh và đảm bảo hơn thì hoàn toàn có thể qua trung tâm nhé.

Mình dò dẫm những bước làm hồ sơ đầu tiên tất cả là qua hotrosv.de, và hỏi cả những anh chị đi trước nữa. Vì có những bài viết chi tiết các bước làm hồ sơ rồi nên mình sẽ không viết lại nữa mà chỉ ghi một số lưu ý của mình thôi.

3.1. APS

Vì năm nay những người thi Đại học năm 2017 như mình thực sự không chủ động trong thời gian có APS để nộp các trường. Nên mình nghĩ các bạn đi sau nên chủ động chuẩn bị và dịch tất cả các hồ sơ cần thiết cũng như tìm trường, để có APS một cái là chiến thôi!

3.2. Dịch và công chứng hồ sơ

Những hồ sơ cần dịch thì mình dịch ở số 1 Đại học Hà Nội. Cá nhân mình thì thấy chỗ này làm việc ổn, mấy chị cũng thân thiện, nhiệt tình. Tuy nhiên dù ở đâu các bạn cũng nên kiểm tra lại bản dịch nhé (người ta sẽ gửi trước qua mail, không thì bạn phải yêu cầu).

Còn công chứng, các bạn hoàn toàn có thể ra phòng công chứng công (như phòng công chứ Quận) để công chứng với một mức giá phải chăng nhất nhé. (Đừng như mình, ngây thơ bị phòng công chứng trên đường Trần Đăng Ninh chém đến 30k/ bản TT)

3.3. Uni-assist

Bây giờ đa số các trường dự bị đều nộp hồ sơ qua Uni-Assist hết, nên các bạn có thể tìm hiểu trước đi nhé. Về việc chuyển tiền qua cho Uni-Assist, nếu bạn nào có tài khoản Visa hay Master thì đơn giản rồi. Còn những bạn chuyển qua ngân hàng bình thường như mình thì nên chuyển sớm nhé, gửi hồ sơ rồi đi gửi tiền luôn.Tại khi mình chuyển tại Techcombank thì có rất rất nhiều thủ tục ý

Mình không biết ở TPHCM thế nào nhưng mình gửi hồ sơ cho Uni-assist qua VNPost Hồ Gươm (dịch vụ của UPS) thì phải ghi địa chỉ cũ của Uni-Assist ý, chứ ghi địa chỉ bây giờ là không gửi được đâu (như mình hồ sơ bị trục trặc do địa chỉ thành ra gấp đôi cả thời gian gửi bình thường TT).

À, các bạn nhớ ghi địa chỉ nhà dễ tìm nhé, do nhiều trường sẽ gửi Zu qua bưu điện mà không hề gửi bản PDF qua mail. Địa chỉ nhà mình nó khó tìm quá hay sao ý nên đến khi mình qua Đức rồi phải gọi điện lên trường bảo người ta gửi bản PDF cho đấy.

3.4. Tài khoản phong tỏa

Như mình đã nói thì năm nay mình không chủ động được thời gian và Nordhausen thì thi sớm nữa nên mình đã mở tài khoản Vietinbank cho nhanh. Ở Hà Nội thì các bạn ra chi nhánh Trần Hưng Đạo nhé, mình mất 5 ngày là đã xong việc xác nhận số dư rồi.

3.5. Visa

Các bước chuẩn bị hồ sơ thì trên hotrosv.de đã có bài cực chi tiết rồi. Các bạn chỉ chú ý mang tầm 2 triệu rưỡi tiền Việt cho chắc ăn nha. MÌnh nộp ở LSQ TPHCM thì nộp hồ sơ nhanh trong vòng một nốt nhạc, cũng không bị hỏi gì.

Đúng 1 tháng thì mình có lịch gọi lên bổ sung bảo hiểm để lấy Visa.

*Lưu ý:

– Về việc thi Đại học của Việt Nam, vì những năm nay quy chế thi thay đổi nhiều nên những bạn thi lại nên thi theo đúng như khóa đó ( đừng chọn 4 trong 6 môn thi chẳng hạn) và hãy cố gắng làm hết sức mình, chứ để trường hợp một môn dưới 4 hay nộp bằng tiếng Anh để được miễn thi thì tiếc lắm đó.

– Còn về việc có nên học Đại học hay không thì mình nghĩ nằm ở sức của mỗi người, cá nhân mình thì mình theo diện không học kì nào.

4. Vé máy bay

Mình mua vé của Aeroflot. Mình thấy hãng này đi rất được. Đồ ăn ngon, tiếp viên xinh đẹp, hành lý 46kg, rất thoải mái.

5. Chi phí

Tổng tất cả các chi phí từ khi mình học A1 đến lúc mua vé máy bay (bao gồm cả tiền thi các thể loại, tiền giấy tờ) là vào khoảng 60 triệu.

Mình không biết so với trung tâm thế nào cả nhưng mình thấy tự làm hồ sơ thật sự là một điều tốt, và mình cũng may mắn có zu của 4 trường cùng visa đúng 4 tuần. ^^

Đây là những chia sẻ cá nhân của mình, hy vọng có thể giúp ích được các bạn

Cảm ơn các bạn đã đọc.

Tác giả bài viết: Na Molkang

Bình luận