Du học Tây Ban Nha / BARCELONA trong tôi

Du học Tây Ban Nha / BARCELONA trong tôi
Thứ tư, 13.04.2016 03:49

BARCELONA TRONG TÔI

Anh người quen bảo, chừng nào mới có bài về Barna đây? Đến lúc đó tôi mới nhận ra hình như mình chưa bao giờ có ý định viết về thành phố cảng tươi đẹp này. Thực ra tôi có 1 album riêng, viết những mẩu nho nhỏ về cuộc sống đời thường nơi đây, nhưng cũng để mốc đâu đó rồi. Bạn biết đấy, khi điều gì đã trở nên quá quen thuộc, đôi khi bạn không nhận ra sự mới lạ, háo hức, kì diệu ở nó nữa. Ôi cứ miệt mài viết, rồi lại lãng quên nơi mình mang ơn mắc nợ, lấy đi cả nước mắt, giọt cười. Thế mà cũng tự nhận quê hương thứ 2 rồi…

                         

Cũng anh bạn ấy, đã từng hỏi tôi: Có hối hận điều gì khi chọn Barna không?...

 

Là chúng tôi chọn nhau.

Chỉ khoảng 2 năm trước, ai biết Tây Ban Nha đấy là đâu ngoài bóng đá? Vị trí giáo dục Tây Ban Nha trên bản đồ là đâu, trong những cường quốc giáo dục Anh, Mỹ, Úc, Phần,….? Khuôn mặt ai cũng hiện lên sự băn khoăn đến đờ đẫn, Tây Ban Nha à, sao lại TBN nhỉ - khi tôi nói làm thạc sĩ ở đây.

Ừ, tại sao nhỉ? Đôi khi 1 đứa lý trí đến duy ý chí như tôi cũng yêu 1 cách vô cùng cảm tính. Biển xanh, nắng vàng, cát trắng Địa Trung Hải và những con người niềm nở chất phác đã đủ khiến tôi ma mị, mê mẩn rồi. Còn học tốt hay dở, tôi vốn vẫn quan niệm đều do con người cả thôi. Phần lý trí còn lại luôn tin và ủng hộ tôi đã chọn đúng.

Và bạn ấy cũng chẳng làm tôi thất vọng. Ưu ái cho tôi được học ở một trong những ngôi trường tốt nhất TBN, tốt nhất Thế giới ở tại Barcelona này. Ưu ái cho tôi chẳng phải phỏng vấn visa nữa. Mặc dù những ngày ấy tôi đã cứ lo lắng, lẩm nhẩm mãi lí do đến TBN trong đầu khi nộp hồ sơ nếu được hỏi: TBN có nhiều lễ hội đặc sắc: đấu bò này, múa flamenco này,…. Tôi không thể trả lời với ambassador là tôi chọn TBN chỉ vì cảm tính thôi đúng không? Sắp tới còn cho tôi 1 suất làm PhD nữa đấy. Và hơn tất cả, bạn ấy ưu ái cho tôi tận hưởng một tuổi trẻ điên cuồng nhất, đẹp đẽ nhất, nhiệt huyết nhất và đúng nghĩa nhất.

Bạn ấy tốt với tôi quá, khiến đôi khi tôi tưởng mình đang mơ giữa thiên đường Địa Trung Hải. Kiếp trước tôi tu bao nhiêu đời mà may mắn quá thế?

Vì thế, là chúng tôi chọn nhau. Không hối tiếc, không giá như. Tròn vẹn, yêu thương và hoàthuận chung sống. Sống như mỗi hơi thở hoà nhịp là một niềm hân hoan hứng khởi. Như mỗi khoảnh khắc chúng tôi có với nhau đều thật đặc sắc và ý nghĩa.

GIÁO DỤC TÂY BAN NHA

Tôi đến Barna vào 1 đêm giữa tháng 9. Bước chân lên xe bus, ngắm nhìn đường phố to rộng và xa lạ, tôi mới giật mình rằng mình đã không còn ở Hà Nội, không còn bên cạnh người thân bạn bè nữa. 2 năm sắp tới đây sẽ là chuỗi ngày đáng nhớ, nên tôi ko nhìn về quá khứ…(sửa)

Đến muộn 2 ngày so với lịch học, tôi bỏ lỡ mất buổi orientation quan trọng về tài nguyên học. Cả tuần đầu tôi ung dung chơi vì chẳng thấy thầy cô gửi slides hay giao BTVN, nhưng sang đến tuần sau tôi đã phải trả giá. Tiếng là học FPT, công nghệ thông tin cũng gọi là hơn trình độ xoá mù, thế mà tôi phải hỏi mãi mới học được cách vào virtual campus của trường, khoa và lớp để down slides và BTVN về. Ôi dồn bài trong 1 tuần khiến tôi chật vật, khổ sở hoàn thành rồi lại phải up bài lên để thầy cô chấm. Học 5 môn 1 lúc cũng là một cực hình. Tôi có cảm giác não mình bị bổ ra làm 5 và phải switch mode liên tục ấy. Mà nếu lúc ấy có bất cứ ai công kích giáo dục TBN, tôi sẵn sang xông vào khẩu chiến với họ!!! Ai bảo nó không khó, không khổ, không tốt cơ chứ??? Đội sinh viên quốc tế bạn tôi cũng đồng ý thế đấy.

Sau những chuỗi ngày gian khổ cày cuốc học hành, đi đến cuối cùng, bạn nhận được điều gì? Kiến thức, kỹ năng, bằng cấp? Tôi cho rằng mình đã tạm có đủ thứ mình cần. Nhưng điều quý giá nhất cái khoá học Master này cho tôi vượt trên cả những kiến thức chuyên ngành, hay cái giấy chứng nhận. Đó không phải là kiến thức mà bạn đinh ninh rằng, học cấp 3 đương nhiên hơn cấp 2, tương tự Master hơn Bachelor. Mà nó thay đổi cả nhận thức, cả phương thức vận hành của não bộ. Không còn những buổi học bị động tiếp nhận những kiến thức mặc định đúng trong sách. Bạn phải học cách vận dụng critical thinking của mình để moi móc, phê phán những điều bấy lâu vẫn tưởng là tượng đài, kết nối tất cả những kiến thức thành 1 thể thống nhất, chặt chẽ. Rồi đến cuối cùng, tôi hiểu rằng Porter 5 forces mà tôi vẫn thường phân tích trên những bản dự án chẳng hoàn hảo ở điểm nào, bởi lằn ranh giữa những ngành công nghiệp đã không còn trong eco-system này; hiểu rằng chính sự phớt lờ tài nguyên thiên nhiên trong mô hình kinh tế vĩ mô gây cản trở cho những chính sách môi trường và đang giết chết trái đất này; biết thêm những sự liên quan tuyến tính khi học kinh tế lượng, tỉ như nguồn tài nguyên dồi dào của VN cũng chính là nguyên nhân khiến VN mãi chỉ là nước đang phát triển,… Dường như thế giới quan và nhân sinh quan đều bị thay đổi. Tôi bắt đầu tự đặt ra câu hỏi và bài toán để trả lời, thay vì nhận đề bài. Bắt đầu học cách tranh luận đôi bên lành mạnh vì mục đích duy nhất là giải quyết vấn đề. Và tôi hiểu đó là tiền đề để có thể nghiên cứu sâu và xa hơn khi bước lên bậc tiến sĩ.

Tôi còn cần gì thêm nữa? Có thể là không. Tôi thoả mãn với những gì mình nhận được từ ngôi trường và môi trường ở đây.

NGÔN NGỮ

     Cũng 8.0 IELTS oai như cóc, cũng American accent suýt chuẩn và British accent giả vờ được 1 tí. Mà bước chân vào lớp học quốc tế này, tôi im thin thít mặc cảm tự ti vô cùng. Không phải vì thực hành tiếng Anh kém ai, mà mặc cảm vì mình nói được MỖI tiếng Anh. Sao ở Vn học sinh, sinh viên học cả chục năm trời không xong nổi chỉ có mỗi thứ tiếng ANH? Và phải chau chuốt khoe khoang giọng Anh, giọng Mỹ làm gì cơ chứ? Tôi đã từng ở trong rất nhiều cuộc hội thoại giữa những người bạn của mình, chúng tôi nc bằng tiếng Anh, đôi khi họ giải thích bằng tiếng TBN, thích thì chuyển sang tiếng Pháp, và có thể lái sang vài câu tiếng Đức. Có lẽ chỉ có mình tôi mắt trợn, mồm há, mặt nghệt mà buồn bã trong lòng. Tôi đã đánh mất rất nhiều thứ như thế chỉ vì đặt trọng tâm sai vào những giá trị phù phiếm của ngôn ngữ.

Barcelona là thành phố nhiều sinh viên quốc tế Erasmus nhất châu Âu và tiếng TBN cũng là ngôn ngữ phổ biến thứ 2 thế giới. Vì thế ít nhất 95% sinh viên quốc tế ở đây có thể nói thêm tiếng Tây Ban Nha. Tôi cũng quyết tâm không thua kém bạn bè mà bắt đầu cắp sách đi học thêm. Nhưng điều quan trọng, là ngôn ngữ mới mở cho bạn 1 cánh cửa mới đến với những con người bản địa, văn hoá bản địa và và bầu trời kiến thứcvà đúng như người ta nói- biết them một ngôn ngữ sống them . Nói gì thì nói, gần như cả Nam Mỹ cũng cùng chung tiếng TBN này, cũng rất phổ biến ở Bắc Mỹ nữa. Vậy là bên cạnh thứ tiếng mẹ đẻ gần như vô giá trị trên thị trường quốc tế, tôi bắt đầu tự tin với không chỉ tiếng Anh, chút vốn tiếng Trung bèo bọt, mà còn cả tiếng TBN tạm đủ giao tiếp. Và hơn đâu hết, Barcelona, thành phố của những sinh viên quốc tế, đã tạo động lực phải học cho tôi như thế.

 

ẨM THỰC

Ôi dào, lại mấy chủ đề sáo rỗng. Chẳng đâu đâu đồ ăn ngon bằng món Việt.

Ừ, tôi thừa nhận đồ ăn Việt ngon. Nhưng càng đi, càng trải nghiệm, tôi càng nhận ra bấy lâu nay tôi đã thiên vị thừa nhận nó ngon vì tôi là người Việt. Ẩm thực ở bất cứ đâu cũng đều có nét đặc trưng và đặc sản. Chỉ cần bạn mở lòng đón nhận, ẩm thực bốn phương đều là mỹ thực. Chính vì thế phải đến lần thử thứ 2, tôi mới phải lòng món cơm hải sản Paella đặc sản TBN. Bây giờ tôi đã có thể nấu Paella và tortilla chuẩn không cần chỉnh, học từ chính ông bạn người Catalan ở đây rồi.

Còn rất nhiều điều tôi muốn nói về mảnh đất đầy nắng và gió nằng; tuy nhiên nếu nhiều thứ quá trong một bài sẽ khiến bạn cảm giác mệt khi đọc; và lúc đó tôi cảm thấy mắc lỗi khi không chuyển tải hết một phần cái hay mà tôi cảm nhận được ở đây; chính vì vậy tôi xin dành một bài khác để chia sẻ những điều khác. Bài tiếp theo của tôi sẽ là kinh nghiệm tôi đã kiếm việc như thế nào ở barcelona.

 

Bình luận